Thursday, January 17, 2013

Hồi ức Vượt biên (p.1)

Theo trí nhớ của một cậu bé 9 tuổi.

.... Một đêm tháng 5 năm 1979...

Nửa đêm cậu bé đang ngủ thì bị kéo đầu dậy với lời giải thích "Dậy đi về quê chơi con!" Rồi ba mẹ dắt tay hai thằng con trai, một đứa 9 tuổi, một đứa 11 tuổi, khăn gói bắt xe buýt cho một chuyến đi xa. Bình thường đường Sài Gòn- Bến Tre chỉ mất vài tiếng đồng hồ là tới nơi, đằng này xe cứ chạy hoài chạy mãi, từ 6 giờ sáng cho đến hơn 7 giờ tối mà vẫn chưa đến nơi. Điều này quả thật là quá khó hiểu đối với một cậu bé đang tuổi tò mò, khám phá xung quanh. Cậu cứ hỏi ba mẹ luôn miệng "Sao kỳ vậy Ba? Sao đường về quê gì kỳ vậy?" Ba của cậu nghe cậu hỏi hoài thì "bực" quá, dang tay tát cậu một phát rõ đau "Mày có im đi hông!" Cậu bé thảng thốt, bất ngờ trước cái tát trời giáng nên im bặt. Đó cũng là lần bị ăn đòn hiếm hoi trong cuộc đời cậu bé. Sau này Ba cậu mới nói rằng lúc đó ba mẹ cậu không phải vì bực mình cậu ồn ào, mà là vì ba mẹ cậu đã quá sợ hãi. Trên chuyến xe buýt đó có bao nhiêu là "cán bộ" ngồi xung quanh, mà Ba cậu thì đâu thể naò giải thích cho cậu hiểu rằng "Mình đi vượt biên đó con" được, nên đành phải dùng cái tát uy hiếp đó để cậu im miệng, không lôi kéo sự tò mò hiếu ỳ của đám hành khách xung quanh.
 
Đến tối mịt thì cả nhà đổ bộ xuống thành phố Rạch Giá. Ở Rạch Giá được khoảng  3 ngày thì tin từ Sài Gòn đưa xuống là căn nhà đã bị "cán bộ" vô lấy mất rồi. Giờ chỉ còn tiến, chứ không lùi được nữa. Nếu quay trở về thì cả nhà vừa bị đi tù, vừa bị đẩy đi vùng kinh tế mới, thì coi như "đời thúi" luôn (dùng đúng từ của Ông Nội :-( ). Ăn dầm nằm dề, lây lất ở Rạch Giá hơn tháng trời, ban đầu còn tụ tập trong thành phố, sau vì ồn ào và phức tạp quá mà những người có ý định vượt biên bị đẩy dạt từ từ về những miền quê hẻo lánh, phải tự cất nhà chòi mà ở co cụm với nhau. Sau hơn một tháng không nhà không cửa, gia đình cũng có cái hẹn để lên tàu. Khỏi phải nói là chuyến đi như thế nào, trôi dạt trên biển 3 ngày 3 đêm trên một chiếc tàu đánh cá dài chừng 20 mét với hơn 400 con người già trẻ lớn bé, chỉ có ngồi co gối như cá mòi và chỉ duy nhất với một tư thế như vậy. Bị hải tặc cướp 3 lần... Đổi vàng lấy nước uống... Uống nước có giòi mà thấy ngon quá ngon... Thuyền bắt đầu bị ngập nước. Ngồi trên thuyền mà đưa tay khỏa nước như chơi... Đói, khát, mệt, và ý chí tưởng chừng gục ngã...
 
(hình lấy từ net)
 
Đến ngày thứ tư thì thuyền trôi vào một đảo hoang ở Malaysia. Thuyền chưa tấp bờ thì tiếng súng đã vang rền. Thì ra lính Mã Lai bắn chỉ thiên, không đồng ý cho thuyền của những người tị nạn tấp vào đảo. Lúc này thì mọi người đã quá mệt, và thuyền cũng bị vào nước bộn rồi. Mấy người lớn mới họp nhau lại và quyết định đánh bài liều. Phụ nữ và trẻ con được lùa hết lên bờ, cứ lừ lừ lội nước đi vào. Lính Mã Lai coi vậy mà cũng còn nhân đạo, họ theo văn hóa của người Anh quốc tôn trọng đàn bà và trẻ con, nên không bắn nữa. Nhờ những phút giây "sơ suất nhân đạo" như vâỵ mà đám đàn ông thanh niên cuối cùng cũng "ăn theo" và tràn lên bờ luôn, cũng có bị lính đánh sơ sơ nhưng có hề chi, miễn lên bờ là được.
 
Tưởng đã yên thân, dè đâu ngày hôm sau quân đội Mã Lai lùa hết mọi người trở lại thuyền, bảo rằng sẽ cho tàu sắt kéo họ qua một đảo khác, chứ đảo này thì không chấp nhận người tị nạn. Thế là mọi người lục tục kéo nhau lên thuyền. Thuyền lúc này đã bị lủng nặng. Hơn 400 con người chập chờn chông chênh ngồi trên thuyền mà nước biển thì lấp xấp mạn thuyền. Tàu sắt của quân đội kéo đi được nửa ngày thì thấy coi mòi thuyền nhỏ chịu không nổi, họ bèn cho phép đàn bà và trẻ con chyển qua thuyền sắt ngồi. Kéo đến gần một ngọn hải đăng, họ trả lại người, rồi chỉ hướng hải đăng rồi nói "Đó, chính là đảo đó đó. Mọi người hãy ráng mà đưa thuyền tới đó đi!" Rồi thuyền sắt quay đầu bỏ chạy. Mọi người ráng sức vừa tát nước, vừa lèo lái con thuyền đến khi thấy được đất liền thì thuyền cũng chìm luôn. Chìm thật sự, không cách chi cứu nỗi nữa. Thế là hơn 400 con người lục tục dắt díu nhau lội vào bờ, rồi nằm vật ra trên bờ biển mà ngủ mê mệt suốt 3 ngày 3 đêm.
 

 
Đó là những phút giây đầu tiên ở đảo Lê Tung, Indonesia. Vì đảo này tiếp nhận một lượng người tị nạn quá lớn (mỗi ngày là có vài chiếc thuyền- 200-400 người/ thuyền-  đổ bộ lên đảo), nên 3 ngày sau mọi người bị chia năm xẻ bảy, Một nhóm bị di chuyển về Coucou, một nhóm ở lại Lê Tung, còn gia đình thì theo nhóm người chuyển về Air Raya.
 
.... những ngày tháng khó quên (to be continued....)